Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống lúa tăng mạnh, trong khi giá bán nông sản không cao, đẩy người nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn, lấy công làm lãi. Đây rõ ràng là bài toán căn cơ với ngành nông nghiệp, với chính các doanh nghiệp, bởi nông dân có thể duy trì được sản xuất thì doanh nghiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng mới “sống khỏe”.
Tại Diễn đàn kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân phía Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 13/11, ông Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mong được lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp phân bón, giống cây trồng, cơ quan quản lý về nguồn cung, giá phân bón trong thời gian tới.
“Tôi muốn nhận được thông tin rõ ràng, cụ thể về nguồn cung của phân bón, giống ở từng xã, từng huyện chứ không phải số liệu trên báo cáo thông qua biểu đồ”, ông Tùng nói.
Nông dân khổ vì giá giống, phân bón
Chia sẻ với đại diện Bộ NN&PTNT, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho hay, với đặc thù sản xuất, tỉnh Kiên Giang có nhu cầu rất lớn về giống (trên 33.600 tấn giống/vụ). Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng giống đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng giữa các đại lý tới tay người nông dân nên gây khó khăn cho công tác quản lý.
Giá phân bón dự báo vẫn ở mức cao trong thời gian tới. |
Bên cạnh đó, giá bán giống lúa, nhất là những giống lúa bản quyền liên tục tăng. Trước đây, giá bán trung bình 13.500 đồng/kg, hiện đã tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg.
“Vì vậy, đề nghị các đơn vị sản xuất giống nghiên cứu đến việc chia sẻ bản quyền giống trên cơ sở thỏa thuận giá bán hợp lý, tạo thuận lợi cho người nông dân có điều kiện tiếp cận được với những giống bản quyền, giống chất lượng cao với giá thành thấp nhất”, ông Toàn nói.
Về giá vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), hiện nay theo ghi nhận tại tỉnh Kiên Giang đang có mức tăng từ 30 – 40% đối với Urê, DAP và một số chủng loại khác, trong khi giá bán lúa không tăng. Vì vậy, ông Toàn đề nghị cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý, điều tiết đừng để giá bán vật tư đầu vào tăng thêm, giúp người nông dân thuận lợi trong việc giảm giá thành sản xuất trong vụ Đông Xuân.
Nhìn từ thực trạng mà doanh nghiệp phân bón gặp phải, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, cho biết phân bón Urê thế giới đang được rao 970 USD/tấn (tương đương khoảng 23 triệu đồng/tấn). Việc sản xuất Urê, NPK trong nước đã chủ động nhưng nguồn cung nguyên liệu gặp khó khăn. Năm ngoái, giá nguyên liệu sản xuất NPK 2.700 đồng/kg, năm nay tăng lên hơn 10.000 đồng/kg…
“Do các nguyên liệu nhập khẩu đều tăng giá mạnh nên cơ quan chức năng cần có phương án giúp nông dân thích ứng và đối phó với tình hình này”, ông Tâm đề xuất.
Theo đại diện của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, giải pháp để thích ứng là trước mỗi mùa vụ cần có các diễn đàn thảo luận sâu về tình hình thị trường, đưa ra các dự báo về vật tư đầu vào trong giai đoạn đó.
“Từ những dự báo này, chúng ta sẽ đưa ra được chiến lược sản xuất phù hợp cho mỗi mùa vụ để đảm bảo được lợi nhuận cho người nông dân dù có biến động về giá vật tư đầu vào”, ông Tâm phân tích.
Nông dân “sống được” thì doanh nghiệp mới “khỏe”
“Nông dân còn “sống” được, còn sản xuất được lúa gạo thì doanh nghiệp mới bán được hàng. Nếu như doanh nghiệp cố tình sản xuất ra phân bón, giống lúa kém chất lượng để trục lợi là sự độc ác với người nông dân”.
Cục trưởng Cục Trồng trọt – Lê Thanh Tùng
Theo ông Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam, công ty đang cung cấp nhiều loại giống lúa, rau đậu cho bà con nông dân ở khu vực phía Nam. Hiện nay, giống lúa Đài thơm 8 đang được bà con ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long sử dụng nhiều, đóng góp vào giá trị xuất khẩu cho mặt hàng lúa gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, vừa qua có hiện tượng bán giống bao trắng, giống giả làm ảnh hưởng đến cả năng suất và chất lượng sản phẩm của bà con nông dân.
“Đặc biệt, tình trạng giống giả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của các đơn vị làm lúa gạo của Việt Nam”, ông Phong nhấn mạnh.
Ông Phong bày tỏ: “Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng xem xét, có giải pháp để hạn chế được hiện tượng đóng bao trắng, hàng giả trên thị trường, bởi các doanh nghiệp không thể nào có khả năng để quản lý hết được”.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng, vốn, phân bón, lao động là những yếu tố quyết định đến giá thành nông sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Làm tốt giống, phân bón thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ ít hơn. Trên tổng diện tích 1,5 triệu ha của Đồng bằng Sông Cửu Long, hiện mới xuống giống 300.000ha, do đó sắp tới nhu cầu giống khá lớn.
“Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tính toán số liệu chi tiết đến từng cánh đồng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, nông dân và doanh nghiệp”, ông Tùng nói.
Trước diễn biến của giá phân bón, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhìn nhận, giá phân bón trong nước tăng một phần do ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Trong bối cảnh chờ điều chỉnh chính sách của Chính phủ thì cần có các giải pháp để “hạ nhiệt” giá phân bón, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Tùng, giá phân bón lên cao là “nỗi buồn” chung, khó khăn chung của ngành nông nghiệp nhưng nếu doanh nghiệp lợi dụng để tăng giá, làm sản phẩm kém chất lượng là hành vi cần lên án.
Trong bối cảnh này, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp cần phải cùng nhau để giải quyết, hỗ trợ người nông dân. “Nông dân còn “sống” được, còn sản xuất được lúa gạo thì doanh nghiệp mới bán được hàng. Nếu như doanh nghiệp cố tình sản xuất ra phân bón, giống lúa kém chất lượng để trục lợi là sự độc ác với người nông dân”, ông Tùng chia sẻ.
Ngoài ra, Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá, Việt Nam cần phải khai thác tối ưu 150 triệu tấn phụ phẩm trong nông nghiệp, để tạo ra phân bón, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng.
Về giảm giá giống cây trồng, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng cần có chương trình để các địa phương tăng cường khâu nghiên cứu, sản xuất giống. Các doanh nghiệp giống cung ứng sản phẩm chất lượng tốt hơn cũng là “đền đáp” người nông dân, khi bấy lâu nay họ tiêu thụ sản phẩm của mình.
Lê Thúy
Nguồn: vnbusiness.vn