Mối quan hệ giữa doanh nghiệp sản xuất phân bón và nông dân hiện nay đặt ra với cơ quan quản lý nhiều vấn đề cần được nhìn nhận thấu đáo trước khi tháo gỡ.
Giá phân bón tăng, ngang bằng thị trường thế giới
Năm 2022, trong khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có mức lợi nhuận kỷ lục thì ở chiều ngược lại, bà con nông dân lại đối diện với muôn vàn khó khăn do giá các loạt vật tư đầu vào tăng cao do ảnh hưởng và biến động từ thị trường thế giới.
Vậy trong mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp hiện nay có điều gì bất thường hay không và tại sao lại có sự không đồng pha giữa giá vật tư đầu vào và giá nông sản đầu ra như vậy, các cơ quan quản lý, điều hành chính sách cần ban hành những giải pháp gì để cân bằng phần nào thực trạng này?
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng hiện nay, việc giá phân bón tại nước ta tăng cao như vậy có bất thường hay không? Câu trả lời là không, bởi giá phân bón tại Việt Nam hiện nay tương đương mặt bằng chung giá phân bón trên thị trường thế giới.
Không chỉ phân bón mà hầu hết hàng hoá phục vụ đầu vào của sản xuất trên thế giới đều tăng phi mã do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Vậy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước trong trường hợp này có thể giảm giá bán sản phẩm thấp hơn hẳn giá trên thị trường thế giới để chia sẻ gánh nặng với bà con nông dân hay không?
Câu trả lời ở đây là có thể thực hiện được, nhưng bản thân các doanh nghiệp sản xuất phân bón lại không có thẩm quyền giảm thấp hơn giá bán ngoài thị trường nếu không có chỉ đạo từ cơ quan chủ quản cũng như lý do chính đáng mang tính pháp lý rõ ràng.
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là phân urê đều là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc Nhà nước nắm cổ phần chi phối trên 51%. Do đó, các doanh nghiệp này phải hoạt động theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp phía doanh nghiệp tự ý bán giá phân bón thấp hơn giá thị trường sẽ kéo theo rất nhiều rắc rồi và hệ lụy sau này.
Thứ nhất, thị trường phân bón Việt Nam là thị trường mở, có nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất một mặt hàng. Bên cạnh hàng sản xuất trong nước còn có hàng nhập khẩu nên thị trường rất đa dạng và tự do.
Trong khi, việc phân phối sản phẩm phân bón hiện nay của doanh nghiệp đều thông qua hệ thống đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3 tại nhiều tỉnh, thành chứ hầu như không bán trực tiếp tới nông dân.
Trong trường hợp doanh nghiệp phân bón bán giá thấp hơn giá ngoài thị trường qua hệ thống các đại lý, cơ chế chính sách, chế tài để giám sát, quản lý nhằm đảm bảo đại lý tuân thủ và bán đúng giá tới tay nông dân là một bài toán bất khả thi.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp bán phân bón thấp hơn giá thị trường, sau này khi kiểm toán, thanh tra vào hồi tố, việc chứng minh sự “vô tư, khách quan, trong sáng” khi giảm giá bán phân bón thực sự rất khó. Thậm chí, nguy cơ bị quy trách nhiệm móc nối với đại lý bán giá thấp để ăn chênh lệch ngoài hợp đồng làm thất thoát tài sản Nhà nước luôn là một nghi án treo lơ lửng trên đầu.
Đặc biệt, theo chia sẻ của lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón, hiện các đơn vị sản xuất phân bón trong nước đều phải mua khí đốt và than (than và khí chiếm trên 70% giá thành sản xuất phân urê) theo giá thị trường nên đầu ra sản phẩm phân bón không bán theo giá thị trường chắc chắn là một sự bất hợp lý.
Còn nhớ, cách đây chưa lâu, dư luận từng lên án gay gắt các doanh nghiệp Nhà nước thuộc 12 dự án ngành công thương làm ăn bết bát, thua lỗ nghìn tỷ, trong đó có tới 4 doanh nghiệp sản xuất phân bón. Nay, chính những doanh nghiệp phân bón thua lỗ đó đang bắt đầu làm ăn có lãi lại đứng trước áp lực bị cho là đang “lãi trên nỗi khổ của nông dân” liệu có thực sự công tâm, khách quan?
Với doanh nghiệp, mục tiêu quan trọng nhất là quản trị hoạt động sản xuất, kinh doanh sao cho hiệu quả nhất với đồng vốn nhà nước bỏ ra đầu tư. Do đó, việc dư luận nhìn doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong một lĩnh vực không phải kinh doanh độc quyền như phân bón đang làm ăn có lãi với sự thiếu thiện cảm thực sự chưa sòng phẳng.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ nông dân bằng chính sách
Tuy nhiên, việc bà con nông dân kiến nghị giá phân bón tăng quá cao, trong khi giá nông sản thấp khiến bà con thua lỗ cũng là hoàn toàn chính đáng nên rất cần có sự thấu hiểu và sẻ chia từ nhiều phía.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước hiện cũng chỉ có thể lựa chọn cách hỗ trợ bà con nông dân thông qua các chương trình khuyến mại, tri ân, tặng quà chứ không thể giảm giá bán sản phẩm đi ngược với quy luật thị trường. Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như Phú Mỹ, Cà Mau, Hà Bắc, Ninh Bình, Bình Điền, Lâm Thao,… cũng đều đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân như vậy.
Trong trường hợp này, một số chuyên gia cho rằng, kinh nghiệm tại một số quốc gia, họ sẽ chọn cách hỗ trợ nông dân thông qua các chính sách trợ giá thu mua nông sản hoặc trợ giá vật tư đầu vào. Tất nhiên, việc trợ giá không được đi ngược các cam kết của Việt Nam khi gia nhập các Hiệp định thương mại tự do, các FTA.
Đặc biệt, cũng như mặt hàng xăng dầu, một số chuyên gia kiến nghị, nếu muốn hạ giá phân bón ngay tức thì, Chính phủ, Quốc hội mới có đủ thẩm quyền để ban hành các nghị quyết yêu cầu giảm giá bán phân bón hỗ trợ nông dân.
Nếu có văn bản chỉ đạo chính thức từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, các doanh nghiệp sản xuất phân bón có vốn nhà nước chi phối chắc chắn sẽ chấp hành và tuân thủ một cách nghiêm túc, đầy đủ.