Hạ nhiệt giá phân bón: Có nên tăng thuế xuất khẩu?

Kinhtedothi – Để hạ nhiệt giá phân bón, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm. Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận phải nhiều ý kiến trái chiều.

“Gậy ông đập lưng ông”

Giá phân bón thời gian qua liên tục tăng cao do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới và chiến sự Nga – Ukraine làm suy giảm nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, tình trạng khan hiếm container rỗng và thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, như thiếu quặng apatit tuyển để sản xuất phân bón NPK cũng góp phần đẩy giá mặt hàng phân bón tăng cao.

Trong khi đó, hàng năm Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Đơn cử như năm 2021, lượng phân bón sử dụng là 10,7 triệu tấn. Trong đó, lượng phân bón sản xuất trong nước 7,2 triệu tấn, nhập khẩu 5,1 triệu tấn; xuất khẩu 1,6 triệu tấn.

Để đảm bảo nguồn cung, hạ nhiệt giá phân bón, mới đây Bộ Tài chính đã trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.

Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51%, giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế suất thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5% như hiện hành. Riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài chính trình Chính phủ giữ mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành.

Giá phân bón trong nước và thế giới tăng cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây
Giá phân bón trong nước và thế giới tăng cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn cho biết, thời gian qua nhiều quốc gia hạn chế việc xuất khẩu phân bón để giữ ổn định thị trường nội địa. Thực hiện phương án này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và DN. Đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính do việc DN và cơ quan hải quan phải xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất về thuế xuất khẩu với các DN. Bên cạnh đó, thực hiện theo phương án này sẽ góp phần tăng thu ngân sách từ phân bón.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh, mặc dù tổng khối lượng phân bón sản xuất hàng năm đang thiếu khoảng 4 triệu tấn, nhưng có sự khác nhau giữa các chủng loại phân bón. Trong khi đó, lượng phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Cho dù lượng phân bón xuất khẩu tăng cao, nhưng tổng nguồn cung từ sản xuất trong nước và nhập khẩu, trừ đi lượng phân bón đã xuất khẩu, thì cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Do đó, chưa đủ cơ sở để phải ngừng xuất khẩu phân bón.

Đứng ở góc độ DN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho rằng, việc tăng thuế xuất khẩu với mặt hàng phân bón sẽ gây khó khăn cho DN mà không đạt được mục đích đặt ra. Nếu áp dụng chính sách này, nhóm những nhà sản xuất phân bón NPK bị thiệt hại nhiều nhất. Và chưa hẳn việc áp thuế xuất khẩu 5% sẽ đem lại kỳ vọng về ổn định nguồn cung, giảm giá phân bón trong nước như kỳ vọng của Nghị định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *