Thấm thía bài học đau đớn hồ tiêu bị xóa sổ do dịch bệnh, nông dân ‘thủ phủ’ hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) đang quyết tâm thay đổi sản xuất bằng phân hữu cơ.
Hạnh phúc khi làm nông nghiệp hữu cơ
Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) từng được xem là “thủ phủ” hồ tiêu và cà phê. Nhưng rồi, trong quá trình canh tác, nhiều nông dân thường lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khiến “thủ phủ” hồ tiêu chỉ còn là dĩ vãng.
Để vực dậy nền nông nghiệp vốn là niềm tự hào, nhiều người dân nơi đây đã từng bước sử dụng phân bón hữu cơ nhằm tránh theo vết xe đổ của những năm trước, đồng thời tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường.
Với những kiến thức hơn 20 năm, ông Nguyễn Tấn Lục (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) luôn tự hào về mô hình làm nông nghiệp hữu cơ của mình. Hơn 20 năm qua, ông Lục luôn thắng lợi trong các mùa vụ, không bị mất mùa như những hộ dân khác.
Dẫn chúng tôi vào vườn tiêu trồng xen canh cà phê, ông Lục tự tin giới thiệu về vườn cây có tuổi đời từ 20 năm trở lên. Nếu như các hộ dân khác từng điêu đứng với hồ tiêu, cà phê thì ông Lục lại luôn làm được những điều kỳ diệu, nhất là cách sử dụng phân bón, ông chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và “nói không” với phân hóa học.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Lục cho biết quan trọng nhất trong trồng hồ tiêu là phải biết nương tựa vào đất, không lạm dụng sử dụng phân bón hoá học bởi đất rất dễ bị bạc màu, khó cải tạo. Ngay từ lúc trồng tiêu và cà phê, ông đã tiến hành trồng cây keo làm trụ, xung quanh gốc tiêu không làm cỏ, để mọc tự nhiên. Đồng thời, luôn sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ tự làm để chăm bón cho cây tiêu và cà phê. Chính vì vậy, vườn tiêu, cà phê của gia đình ít bị bệnh, luôn tràn đầy sức sống.
“Gia đình tôi làm nông từ nhỏ, nên cũng có chút kinh nghiệm. Nhà có 2ha, trồng cà phê xen canh tiêu, sầu riêng và cây cau. Việc chú trọng sản xuất theo hữu cơ giúp tươi xốp đất, giúp các loại cây trồng gần như không bị bệnh gì, trong khi nếu chỉ sử dụng phân bón, thuốc BVTV hoá học cây tiêu sẽ rất dễ nhiễm bệnh, nhanh chết”, ông Lục chia sẻ.
Chính vì mạnh dạn không sử dụng phân bón hóa học, vườn tiêu, cà phê của ông Lục phát triển rất tốt, năng suất ổn định. Trong khi, phần lớn người dân nơi đây đã phá bỏ hồ tiêu, không ít “đại gia hồ tiêu” phá sản, phải bỏ đi nơi khác sinh sống.
Với hơn 1.000 trụ tiêu, mỗi năm gia đình ông Lục thu hoạch được khoảng 2 tấn hạt, nhờ chi phí sản xuất theo hữu cơ rẻ hơn phân hoá học nên gia đình lãi lớn. Toàn bộ sản phẩm hạt tiêu của ông Lục được Công ty TNHH Olam Chi nhánh Gia Lai bao tiêu toàn bộ, mỗi kg sản phẩm có giá cao hơn 2.000 đồng so với thị trường.
Có thể hiểu được niềm hạnh phúc của ông Lục, làm nông nghiệp không chỉ đủ ăn mà còn xây nhà kiên cố hàng trăm triệu đồng, nuôi hai con ăn học đại học.
Ông Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam từng đến thăm quan và khá bất ngờ với vườn tiêu, cà phê của gia đình ông Lục. “Đây là mô hình hay, hoàn toàn không sử dụng phân bón hoá học. Cách làm phân hữu cơ như bánh dầu ủ với cá, bơ, chuối, tạo nên những sản phẩm phân bón hữu cơ tuyệt vời cho cây trồng. Làm hữu cơ không chỉ giảm chi phí sản xuất, mà đầu ra còn ổn định, được bao tiêu”, Ông Dũng nhận xét.
Tập hợp nông dân làm phân hữu cơ
Mô hình tập hợp nông dân làm phân hữu cơ ở huyện Chư Sê đang nổi lên như một phong trào. Không chỉ sản xuất phân hữu cơ cho gia đình mà còn bán ra thị trường, Công ty TNHH Một thành viên Đào Tiến Phát (Công ty Đào Tiến Phát) đang liên kết với nông nông dân của Thị trấn Chư Sê được xem là ví du điển hình.
Tại đây, hơn 30 hội viên của mô hình liên kết giữa nhà nông và Công ty được chuyển giao, hướng dẫn quy trình ủ men sản xuất phân hữu cơ, thuốc trừ sâu hữu cơ. Quy trình này được Công ty Đào Tiến Phát cử kỹ sư tham gia hướng dẫn và giám sát.
Ông Đào Tiến Tình, Giám đốc Công ty Đào Tiến Phát, Chủ nhiệm Nông hội liên kết Sản xuất hữu cơ Thị trấn Chư Sê cho biết, những năm trước, chất lượng sản phẩm nông nghiệp thường kém, cây trồng thường bị ảnh hưởng do sâu bệnh. Tuy nhiên, khi chăm bón bằng phân bón hữu cơ, phân chuồng, phân ủ vi sinh đã giúp hạn chế công trùng có hại, qua đó giảm nấm bệnh, đất tươi xốp hơn, chất lượng sản phẩm tăng lên.
Nói về sản phẩm phân hữu cơ ủ từ men vi sinh, ông Tình cho biết, Công ty sản xuất phân bón hữu cơ 100% với quy trình làm men vi sinh bản địa. Theo đó, phần lớn phân hữu cơ này được làm từ vi sinh vật và đạm tự nhiên, tùy thuộc môi trường mà có cách chế biến khác nhau. Khi sản xuất được vi sinh bản địa, có thể làm ra được hàng trăm sản phẩm khác.
Đơn giản nhất là bà con có thể áp dụng sản xuất phân bón hữu cơ bằng rác thải sinh hoạt, vừa giải quyết được vấn đề môi trường, vừa có nguồn phân bón cho cây trồng. Khi có công nghệ sản xuất men vi sinh, việc áp dụng làm phân bón hữu cơ, làm thuốc trừ sâu sinh học sẽ dễ dàng hơn. Hiện nông dân Thị trấn Chư Sê đã đứng ra kêu gọi và đã có 30 hội viên tham gia mô hình nông nghiệp hữu cơ, được người dân và chính quyền đánh giá rất tốt, tiết kiệm tối đa về chi phí sản xuất.
Tiếng lành đồn xa…
Chuyện người dân ở Chư Sê tiến hành một cuộc thay đổi nếp sản xuất từ hoá học sang hữu cơ đang được người dân trong tỉnh Gia Lai quan tâm. Nhiều người đã lặn lội đường xa hàng trăm km, có khi từ biên giới Chư Prông lên Chư Sê để học hỏi.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Sê cho biết, vừa rồi huyện đã thành lập Chi hội Nông dân Sản xuất phân bón hữu cơ. Men vi sinh và phân bón này đã được Bộ NN-PTNT công nhận. Các loại rác hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp như trấu cà phê, vỏ bơ, chuối… đều làm được phân hữu cơ.
Sử dụng phân hữu cơ giải được 2 bài toán: Chi phí đầu tư thấp, dễ làm so với phân hoá học, nếu biết cách làm thì phân hữu cơ cũng rất chất lượng. Hiện nay, huyện đang khuyến khích mở rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ với các hiệp hội hồ tiêu. Tuy nhiên, thời gian đầu vẫn phải cân đối giữa phân hữu cơ và hoá học.
Ông Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tranh trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp Gia Lai nên mời gọi các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kỹ thuật, quản trị, am hiểu pháp lý để tổ chức kết nối sản xuất, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao; liên kết, hợp tác đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến các loại trái cây (mít, bơ, sầu riêng), chế biến tinh bột sắn, lương thực, bột ngũ cốc, chế biến hương liệu, dược liệu (tinh dầu sả, dầu quế,, bưởi, tinh dầu tiêu, trầm hương, cao sâm, cao mật nhân.. ) để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Đặc biệt, kết nối sản xuất hữu cơ với tiêu thụ ổn định được xem là giải pháp cấp thiết có tính chất quyết định hiện nay.
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Chư Sê cho biết, mặc dù Nông hội Sản xuất hữu cơ của Thị trấn mới đi vào hoạt động nhưng hiệu quả mang lại rất lớn khi người dân đang từng bước chuyển từ sử dụng phân bón hóa học sang phân hữu cơ. Đây là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp nhằm hướng đến phát triển bền vững.
Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam