Phát triển nông nghiệp hữu cơ tương xứng với tiềm năng

Nông nghiệp hữu cơ là canh tác hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng các yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhất là nguồn nước và đất chưa bị ô nhiễm bởi tác động của sản xuất vô cơ. Tuy nhiên, hiện nay diện tích canh tác hữu cơ còn rất khiêm tốn. Xác định nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp để gỡ rào cản, phát triển tương xứng với tiềm năng.

Năng suất, giá bán thấp

Vườn bưởi Diễn của gia đình ông Trần Khắc Dũng, thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đã chuyển sang sản xuất hữu cơ được hơn 2 năm. Năm 2018, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, ông Dũng được tham gia lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp chuyển đổi hữu cơ. Quá trình học, ông Dũng thấy lạm dụng phân bón và thuốc hóa học tổn hại nặng nề cho sức khỏe của mình và người tiêu dùng. Nhận thức được tác hại đó, ông Dũng “cai” hẳn thuốc, phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Dũng chia sẻ, nguồn phân bón cho cây trồng giờ ông đã tự ủ từ đỗ tương, cá; nguồn chất thải từ chăn nuôi; thuốc trừ sâu, bệnh được pha chế từ tỏi, ớt, gừng, rượu. Chi phí phục hồi lại đất và sử dụng quy trình chăm sóc hữu cơ tốn kém và mất công hơn thông thường, nhưng bù lại là an toàn cho cả người làm vườn và người tiêu dùng. Về lâu dài thì sản xuất hữu cơ sẽ bảo vệ được đất đai và mạch nước ngầm. Chuyển đổi sang hướng sản xuất hữu cơ, chất lượng bưởi cũng được người tiêu dùng đánh giá ngon, ngọt hơn vì thế được giá hơn. Năm 2020 với 180 cây, tính bình quân trên 100 quả/cây, bán được hơn 300 triệu đồng.

Hơn hai năm qua, anh Tô Văn Quý, xã Tân Thành (Hàm Yên) đã không còn sử dụng các loại phân vô cơ bón cho vườn cam của gia đình. Thay vào đó anh Quý sử dụng phân chuồng ủ hoai với chế phẩm vi sinh có ưu điểm bổ sung chất hữu cơ, tăng chất mùn giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất. Vụ cam năm 2021, gia đình anh Quý có hơn 600 gốc cam sản xuất theo hướng hữu cơ, dự kiến cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả.

Chủ tịch Hội Hữu cơ Việt Nam (thứ hai từ trái sang) và Hội Nông nghiệp hữu cơ của tỉnh trao đổi cách
chăm sóc hữu cơ cho cam sành tại xã Tân Thành (Hàm Yên).

Anh Quý chia sẻ, sự khác biệt lớn nhất so với mô hình trồng cam thông thường đó là tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng. Các quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cam đều có sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ và thành viên tổ cam hữu cơ. Ưu điểm của sản xuất hữu cơ là bảo vệ sức khỏe cho người trồng cam và bảo vệ môi trường, chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm cũng được nâng lên. Tuy nhiên, anh băn khoăn, khi sản phẩm cam hữu cơ chất lượng, để cả tháng không hỏng nhưng mẫu mã không bóng đẹp như cam thường nên đa số người dùng vẫn chưa đón nhận, mà chỉ một bộ phận người tiêu dùng có hiểu biết mới tìm mua.

Gia đình chị Lê Thị Chuyên, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) tham gia mô hình trồng cam hữu cơ từ đầu năm 2018, với 4,5 ha; trong đó, 3 ha cam đã được thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 20 tấn. Chị Chuyên cho biết, tham gia mô hình sản xuất cam hữu cơ chị thấy rõ lợi ích. Tuy nhiên, chị cũng như các hộ trồng cam hữu cơ mong muốn thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cam hữu cơ cao hơn nữa thì việc sản xuất hữu cơ mới phát triển mạnh được. Đằng này, cam hữu cơ và cam thường giá không chênh lệch nhau là mấy, trong khi đó sản xuất hữu cơ mất nhiều công hơn, chi phí nhiều hơn.

Huyện Hàm Yên có trên 700 ha cam sành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và gần 24 ha cam sản xuất theo hướng hữu cơ. Liên nhóm trồng cam hữu cơ huyện Hàm Yên được hình thành từ năm 2017 với 9 hộ tham gia, tập trung tại thị trấn Tân Yên và xã Tân Thành, Bằng Cốc.

Cùng với cây trồng thì chăn nuôi cũng đã được tỉnh quan tâm chuyển đổi sang hữu cơ. Gia đình ông Võ Đại Hiệp, thôn Xạ Hương, xã Đông Thọ (Sơn Dương)  được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh hỗ trợ nuôi thử nghiệm lợn theo phương pháp hữu cơ từ tháng 1 đến tháng 7-2021 với quy mô 25 con. Ông Hiệp cho biết, tham gia mô hình được hỗ trợ 88% tiền lợn giống, 50% vắc xin, thức ăn và đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, được hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt theo phương pháp hữu cơ, từ chọn giống, thiết kế chuồng trại, xử lý thức ăn, khẩu phần ăn phù hợp và kiểm soát dịch bệnh. Sau 7 tháng nuôi thì lợn đạt trọng lượng trung bình 80 kg/con. So với chăn nuôi sử dụng cám công nghiệp thì thời gian kéo dài gần gấp đôi, trọng lượng lợn thấp hơn khoảng 15%. Tuy nhiên, chăn nuôi theo hướng hữu cơ mang lại sản phẩm thịt sạch vì không dùng các loại cám tăng trưởng; môi trường nuôi lợn không gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng để chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ thì giá sản phẩm thịt phải cao gấp đôi thì người chăn nuôi mới sống được. Giá bán thịt lợn hữu cơ cũng như giá lợn thông thường là rào cản đối với người chăn nuôi.

Gia đình ông Võ Đại Hiệp, thôn Xạ Hương, xã Đông Thọ (Sơn Dương) nuôi lợn thịt hữu cơ.

Lợi ích lâu dài và bền vững

Sự khác biệt rõ nhất giữa sản xuất hữu cơ với sản xuất an toàn hay sản xuất thông thường là ở quy trình sản xuất. Sản xuất hữu cơ tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học, thuốc kích thích, thuốc diệt cỏ. Trong đó, ngay cả sản xuất theo phương pháp an toàn vẫn sử dụng hàm lượng nhất định thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Chính vì vậy, nếu so về chất lượng và lợi ích môi trường thì sản xuất hữu cơ vẫn vượt trội nhất.

Chính những lợi ích lâu dài và tính bền vững từ canh tác hữu cơ mang lại mà nhiều hợp tác xã đã lựa chọn loại hình sản xuất này để nâng cao giá trị sản phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường như: Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên, Hợp tác xã Sản xuất thương mại Quỳnh Nhi (TP Tuyên Quang), Hợp tác xã Chè hữu cơ Ngân Sơn – Trung Long (Sơn Dương), Hợp tác xã Sơn Trà (Na Hang)… Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc Hợp tác Sơn Trà cho biết, nếu sử dụng phân và thuốc vô cơ lâu dài sẽ để lại nhiều hệ lụy với môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng nông sản vì chỉ khoảng 50% lượng phân, thuốc được cây trồng hấp thụ, 50% còn lại sẽ bị rửa trôi, thẩm thấu vào nguồn nước hoặc bay hơi…

Sản xuất hữu cơ đang là xu hướng tất yếu. Ông Hà Lê Bình, Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh cho rằng, sản xuất nông nghiệp tỉnh đang đi theo hướng hàng hóa, hình thành nhiều vùng chuyên canh, điển hình như vùng bưởi, cam, chè… Sản phẩm cam sành đã 2 lần được bình chọn Top 10 loại trái cây nổi tiếng bậc nhất Việt Nam; bưởi Phúc Ninh cũng nằm trong danh sách Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng do Hội người tiêu dùng Việt Nam bình chọn… Đất đai, môi trường sản xuất nông nghiệp vẫn chưa bị ô nhiễm nặng do quá trình sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học là điều kiện để người dân trong tỉnh chuyển đổi mô hình sản xuất hữu cơ.

Với mục tiêu đến năm 2025, mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đã triển khai các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi tại các huyện Yên Sơn, Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp triển khai ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học nâng cao trình độ sản xuất cho bà con, có chiến lược quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất.

Hiện toàn tỉnh có 17 chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn; 3 ha lúa hữu cơ, 21 ha chè hữu cơ, 33 ha cam hữu cơ và 57 ha bưởi hữu cơ. Bên cạnh đó là sự trợ lực của 232 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Đây là những nền tảng vững chắc để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường.

Theo Trang Tâm/baotuyenquang.com.vn