Tạo đột phá phát triển nông nghiệp hữu cơ

(HNM) – Nông nghiệp hữu cơ là sản xuất các sản phẩm trên hệ thống canh tác hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng các yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên, hiện nay diện tích canh tác hữu cơ còn rất khiêm tốn. Xác định nông nghiệp hữu cơ là xu hướng phát triển của nông nghiệp Việt Nam và thế giới, Hà Nội đang có nhiều giải pháp để gỡ rào cản, phát triển tương xứng với tiềm năng.

Cánh đồng sâm Bố Chính canh tác theo phương thức hữu cơ tại xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây.

Tỷ trọng nhỏ, tăng trưởng chậm

Đầu năm 2020, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) đã chuyển 5ha ruộng vốn chỉ trồng ngô, trồng sắn hiệu quả thấp sang trồng cây sâm Bố Chính canh tác theo phương thức hữu cơ. Bà Uông Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm cho biết: “Quy trình sản xuất hữu cơ nên chúng tôi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có thành phần tự nhiên. Mặc dù chi phí sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao nhưng bù lại, sản phẩm rất an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng”. Được biết, hiện mỗi ngày Hợp tác xã thu hái khoảng 200 – 300kg hoa sâm Bố Chính tươi để làm trà hoa sâm. Ngoài ra, cành, lá sâm được cắt tỉa để làm mỹ phẩm dưỡng da… Cây sâm Bố Chính trồng sau 1 năm sẽ thu củ. Ước tính cả thu hoa, lá, cành và củ, mỗi héc ta trồng sâm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ) cũng là đơn vị tiên phong trong sản xuất lúa hữu cơ. Bà Trịnh Thị Nguyệt, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hơn 200 thành viên của Hợp tác xã đang sản xuất trên diện tích 45ha. Ngoài 2 vụ lúa, xã viên trồng luân canh 1 vụ đậu tương hoặc khoai tây hữu cơ (vụ đông), vừa giúp cải tạo đất vừa giúp tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, sản phẩm gạo, đậu tương hữu cơ Đồng Phú được UBND thành phố Hà Nội công nhận OCOP 4 sao, các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ sản phẩm ký hợp đồng liên kết thu mua với giá cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với sản phẩm thông thường.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đáp ứng yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần giải quyết vấn nạn thực phẩm không an toàn. Sản xuất hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường bền vững bởi không sử dụng hóa chất. Cũng nhờ sản xuất hữu cơ, nông dân có sức khỏe tốt hơn và thu nhập cao hơn nếu ứng dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Tuy vậy, theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT Hà Nội, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố còn rất nhỏ bé và tăng trưởng rất chậm. Đến năm 2020, diện tích trồng trọt hữu cơ của Hà Nội là hơn 600ha (trong đó có 193ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ và 414ha sản xuất chuyển đổi hữu cơ) với tổng sản phẩm trồng trọt đạt khoảng 44 nghìn tấn. Trong chăn nuôi, Hà Nội chưa có sản phẩm thịt lợn, thịt gà được cấp chứng nhận sản phẩm chăn nuôi hữu cơ. Mới chỉ có các đơn vị thực hiện chăn nuôi chuyển đổi hữu cơ áp dụng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 11041) về chăn nuôi hữu cơ với tổng đàn khoảng 14,6 nghìn con, sản lượng đạt 380 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 10,1ha, sản lượng 38,5 tấn.

Nguyên nhân dẫn đến hạn chế nói trên là Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đủ để khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn, quy chuẩn, giám sát nông nghiệp hữu cơ chưa hoàn chỉnh; quỹ đất để sản xuất nông nghiệp hữu cơ không nhiều và cần có thời gian dài để cải tạo. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho nông nghiệp hữu cơ lớn, năng suất thấp nên giá sản phẩm cao. Trong khi đó, việc chứng nhận, quảng bá còn hạn chế nên nhiều người tiêu dùng chưa tin tưởng chọn sản phẩm hữu cơ…

Sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú – xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ (ảnh tư liệu).

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ

Nhận định về dư địa phát triển của nông nghiệp hữu cơ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng: Hà Nội là đô thị lớn, thu nhập bình quân đầu người cao, do đó nhu cầu sử dụng các sản phẩm ngon, an toàn, có chất lượng cao như nông sản, thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng. Mặt khác, Hà Nội có tiềm năng về điều kiện tự nhiên như địa hình, thổ nhưỡng để phát triển nhiều loại hình nông nghiệp hữu cơ từ trồng trọt đến chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…

Bên cạnh chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 18-10-2018 về Nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019 – 2020. Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành 30 quy trình kỹ thuật về sản xuất rau hữu cơ cho một số loại rau chính trên nguyên tắc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích tăng trưởng, các vật liệu biến đổi gen… Năm 2020, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng Báo cáo tổng hợp đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Sở NN&PTNT đang tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội dự thảo kế hoạch “Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Hà Nội chủ trương phát triển các vùng sản xuất đối với một số sản phẩm nông sản hữu cơ có thế mạnh, phù hợp điều kiện sinh thái và có nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, thành phố thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại sản phẩm nông nghiệp hữu phù hợp với từng huyện, thị xã…

Cụ thể, vùng trồng trọt hữu cơ của Hà Nội sẽ tập trung vào các loại cây như lúa, rau, cây ăn quả, chè, dược liệu… gắn với du lịch, bảo vệ môi trường. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1,5 – 2%; đến năm 2030, đạt khoảng 2,5 – 3% tổng diện tích đất trồng trọt. Năng suất cây trồng hữu cơ đạt 90 – 95% so với năng suất cây trồng thông thường. Đối với vùng chăn nuôi hữu cơ, đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 – 2% và đạt 2 – 3% trong năm 2030 trên tổng sản phẩm chăn nuôi của thành phố, tập trung chủ yếu là bò, lợn, gà; sữa, trứng gia cầm… Đối với vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ, đến năm 2025, diện tích nuôi thủy sản chuyển đổi hữu cơ đạt khoảng 70ha…

Cũng theo Sở NN&PTNT Hà Nội, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ. Trong đó có việc đánh giá thực trạng độ phì nhiêu đất, chất lượng đất, nước tại các tiểu vùng sinh thái sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng cho các cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững. Sở NN&PTNT cũng sẽ hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp với phát huy kiến thức bản địa, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng các chế phẩm sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học làm giảm giá thành vật tư, nguyên liệu trong sản xuất; thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ hiệu quả, chất lượng cao gắn liền với nguồn nguyên liệu sẵn có.

Để quản lý và phát huy giá trị vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cần có quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Từ kinh nghiệm thực tế, bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cho biết: Hợp tác xã tổ chức các nhóm sản xuất nhỏ “nông dân tự quản” cộng với sự kiểm tra chéo, có sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều bên, trong đó có cả người tiêu dùng, người kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng, việc mở rộng các mô hình sản xuất hữu cơ không thể làm nhanh được bởi các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ rất khắt khe, giá thành sản xuất lớn nên cần lựa chọn từ giống cây, con phù hợp đến kết nối tiêu thụ tốt rồi mới nên nhân rộng.