Tỉnh Lâm Đồng đang tích cực đẩy mạnh việc triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ để giảm chi phí đầu vào, tăng doanh thu và mang lại nền sản xuất nông nghiệp bền vững theo xu thế của thị trường.
Lâm Đồng là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp. Sau đợt dịch Covid-19, mọi hoạt động sản xuất ở đây đã nhanh chóng trở lại bình thường. Tuy nhiên, do giá vật tư nông nghiệp không ngừng lao thang đã khiến thu nhập của nông dân bị giảm sút đáng kể so với trước. Bên cạnh những chính sách vĩ mô của Chính phủ trong nỗ lực bình ổn giá, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực đẩy mạnh việc triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học để giảm chi phí đầu vào, tăng doanh thu và mang lại nền sản xuất nông nghiệp bền vững theo xu thế của thị trường.
Vụ rau vừa qua mặc dù được mùa, giá ổn định, nhưng nông dân Phan Tùng Châu, ở thôn Nghĩa Hiệp 2, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) vẫn không vui, vì nguồn thu nhập bị giảm đáng kể so với trước. Sở dĩ có chuyện này là do giá cả vật tư nông nghiệp không ngừng leo thang, chi phí đầu vào sản xuất tăng vọt trong khi đầu ra không tăng giá khiến nguồn thu bị giảm sút. Ông Châu cho biết, sau đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh, người dân nơi đây chưa kịp mừng vì vượt qua giai đoạn khó khăn nhất thì nay lại tiếp tục đối mặt với tình cảnh khó khăn mới này.
“Hiện giờ giá cả vật tư nông nghiệp đang tăng quá cao, chi phí đầu vào sản xuất tăng. Trong khi đó, hàng hóa bán ra, hầu hết các mặt hàng rau tại đây đều có giá thấp, đầu ra không ổn định vì chủ yếu là bán cho thương lái”, ông Châu trần tình.
Là tỉnh được xem dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, ngoài chăn nuôi bò sữa, cá nước lạnh và một số loại gia súc – gia cầm, Lâm Đồng có thế mạnh về sản xuất rau-hoa, atiso, cà phê, chè và một số loại cây trồng đặc hữu khác, với tổng diện tích canh tác nông nghiệp khoảng 280.000 ha.
Theo ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Lâm Đồng, hiện giá vật tư nông nghiệp, trong đó có thức ăn chăn nuôi và phân bón đã tăng bình quân 40% so với trước, cá biệt có một số loại tăng gần gấp đôi, điều này đang là rào cản, gây khó khăn cho nông dân, ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng kinh tế chung của ngành nông nghiệp địa phương. Với vai trò của mình, Hội nông dân đang tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân về cách sử dụng vật tư nông nghiệp đủ liều lượng, tránh lãnh phí, tiếp cận với các nguồn vốn vay, tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác, tìm đầu ra sản phẩm cho người dân…
“Mặc dù sau dịch Covid-19, mọi hoạt động sản xuất đều trở lại bình thường, nhưng do vật tư nông nghiệp đã tăng rất cao, nhất là phân bón khiến người dân lo lắng, không yên tâm trong đầu tư sản xuất nông nghiệp. Hội cũng đã tuyên truyền, vận động và cùng với bà con tìm ra các giải pháp để khắc phục, ví dụ như hỗ trợ các nguồn vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân thông tin về tiêu thụ nông sản qua sàn giao dịch thương mại điện tử hiện nay…”, ông Đa Cát Vinh nói.
Giá vật tư nông nghiệp leo thang đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất các sản phẩm chủ lực của tỉnh là rau, củ, quả các loại với tổng diện tích giao trồng lên đến 73.500ha. Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đang tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học nhằm giảm chi phí đầu vào, nhưng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Tổng diện tích sản xuất được cấp chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh hiện đã đạt 1.300ha, tăng gấp 12 lần so với 2 năm trước. Ngoài ra, còn có 750ha cây trồng các loại đang trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ sẽ được đề xuất cấp chứng nhận trong thời gian tới.
“Nguồn cung đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, làm giảm thu nhập của nông dân. Ngành nông nghiệp nhìn thấy vấn đề này nên đã khuyến cáo người nông dân tập trung sản xuất, đảm bảo quy trình kỹ thuật, tiết kiệm phân bón, bón đúng, bón đủ và bón hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giảm sử dụng phân bón hóa học, tận dụng các phụ phế phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón cho cây trồng”, ông Nguyễn Văn Châu nêu phương hướng.
Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Lâm Đồng được xây dựng trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và hệ thống chứng nhận các nông sản của tỉnh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Một khi nông dân tích cực chuyển đổi và áp dụng quy trình canh tác hữu cơ này sẽ kiểm soát toàn bộ quá trình canh tác, giảm được chi phí đầu vào và nâng cao giá trị đầu ra, tăng doanh thu trên cùng một đơn vị diện tích canh tác…
Có vậy, nông dân Lâm Đồng nói riêng và ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung mới đủ sức ứng phó với những biến động lớn của thị trường, trong đó có việc giá cả vật tư nông nghiệp không ngừng leo thang như hiện nay./.