Xuất khẩu phân bón xác lập kỷ lục mới

Kim ngạch xuất khẩu phân bón trong 5 tháng đầu năm nay đạt chạm mốc 500 triệu USD, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái và gần bằng giá trị thu về của cả năm 2021. Tuy vậy, thành tích này khó có thể lập lại trong nửa cuối năm nay khi giá phân bón trên thị trường đang có dấu hiệu hạ nhiệt.

Xuất khẩu cán mốc 500 triệu USD 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón của nước ta trong tháng 5 tiếp tục tăng 28,7% về lượng và tăng 148,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 132.624 tấn, trị giá 87,8 triệu USD.

Qua đó đưa tổng xuất khẩu phân bón trong 5 tháng đầu năm lên mức kỷ lục 759.812 tấn với kim ngạch chạm ngưỡng 500 triệu USD, tăng 32,1% về lượng và tăng tới 2,7 lần về kim ngạch so với cùng kỳ.

Như vậy, chỉ sau 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã gần bằng cả năm ngoái. Năm 2021, cả nước xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn, thu về 559 triệu USD.

Đà tăng này chủ yếu là do các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội thị trường đẩy mạnh bán ra ở thời điểm nguồn cung phân bón toàn cầu khan hiếm, giá cả tăng phi mã.

Trong 5 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu phân bón đã tăng gấp đôi cùng kỳ, lên mức bình quân 658 USD/tấn. Tuy nhiên, trong tháng 5 giá xuất khẩu phân bón đã giảm nhẹ 3,1% so với tháng trước, xuống mức bình quân 662 USD/tấn.

Giá phân bón bắt đầu tăng từ cuối năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chi phí logistics và nguyên liệu đầu vào leo cao. Thị trường càng trở lên căng thẳng hơn kể từ khi xung đột Nga và Ukraine xảy ra vào cuối tháng 2 năm nay, dẫn đến giá các mặt hàng phân bón tăng chóng mặt, ở mức cao nhất trong 50 năm trở lại đây.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt theo tỷ lệtài nguyên khoáng sản trong phân bón.

Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy, mới đây Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu trình Chính phủ phương án mới phù hợp hơn.

Đa phần các ý kiến đều cho rằng việc áp thuế xuất khẩu chỉ nên áp dụng tạm thời trong những thời điểm nhất định khi nguồn cung thiếu hụt, hay khi giá thế giới tăng quá cao.

Bên cạnh đó cũng không nên đánh thuế xuất khẩu với tất cả các loại phân bón, bởi nếu áp thuế xuất khẩu 5% đối với phân bón NPK sẽ ảnh hưởng khá lớn đến các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này do hiện nay trong nước đang dư thừa công suất sản xuất, và sẽ làm giảm sức cạnh tranh của phân bón sản xuất trong nước.

Cũng có ý kiến cho rằng việc áp thuế xuất khẩu 5% đối với các mặt hàng phân bón không giải quyết được vấn đề căn nguyên của việc “hạ nhiệt” giá phân bón.

Thay vào đó, cần cân nhắc khi khởi động lại việc áp thuế VAT đối với phân bón vì thực tế VAT là sắc thuế đánh vào người tiêu dùng, nhất là trong thi điểm Quốc hội vừa quyết định điều chỉnh thuế VAT hàng tiêu dùng từ 10% xuống 8% như vừa qua.

Giá phân bón tự “hạ nhiệt”

Trong khi các tranh luận về việc áp thuế xuất khẩu để bình ổn thị trường vẫn chưa ngã ngũ thì giá phân bón thế giới cũng như giá trong nước đã bắt đầu hạ nhiệt trong hơn một tháng rưỡi qua.

Cụ thể, tính đến giữa tháng 6, giá phân bón  Urê trong nước dao động từ 15.800 – 16.300 đồng/kg, giảm 1.800 – 2.700 đồng/kg so với mức đỉnh đạt được vào tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, giá các mặt hàng phân bón DAP, Kali và NPK vẫn ở mức cao.

Trên thị trường thế giới, do thiếu vắng nhu cầu mua vào, giá phân bón Urê đã giảm mạnh từ 30-40% (tương đương 275 – 395 USD/tấn) so với mức đỉnh vào tháng 4 và về lại thời điểm trước khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra.

Theo dữ liệu từ sàn giao dịch CME, giá Urê hạt đục tại Ai Cập giảm xuống còn 630 USD/tấn (FOB) từ mức đỉnh 1.025 USD/tấn. Giá Urê hạt đục tại Mỹ và Ai Cập dao động ở mức 496 – 630 USD/tấn (FOB), giảm mạnh so với mức đỉnh 805 – 1.025 USD/tấn (FOB) trước đó.

Tương tự, giá DAP NOLA Mỹ cũng giảm 170 USD/tấn, trong khi giá UAN cũng giảm khoảng 58 USD/tấn.

Giá phân bón trên sàn CME. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra đã đẩy giá phân bón thế giới lên mức cao nhất mọi thời đại sau khi người mua sẵn sàng trả mức giá cao hơn để đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh lo ngại sự thiếu hụt trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, thị trường sau đó rơi vào trạng thái trầm lắng do vụ mùa tại nhiều nước đã kết thúc.  Theo Profercy, thời điểm hiện tại, người mua ở hầu hết các khu vực chính đang vắng bóng trên thị trường. Do đó, các nhà sản xuất không có nhiều lựa chọn ngoài việc giảm giá mạnh và đặt hy vọng vào cuộc đấu thầu của Ấn Độ vào đầu tháng 7 tới.

Đồng thời kỳ vọng nhu cầu của Mỹ Latinh sẽ tăng lên, nhưng đây cũng là một thách thức khi các lô hàng từ Nga đang được ưu tiên do giá cả cạnh tranh hơn.

Trong khi đó, các nhà phân tích quốc tế cho rằng sự “hạ nhiệt” của giá phân bón chỉ là tạm thời và khả năng các đợt tăng giá tiếp theo là vẫn còn, đặc biệt là giai đoạn các nước tiêu thụ bước vào mùa cao điểm sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, than và khí tự nhiên, hai nguyên liệu chính để sản xuất phân bón, sau một thời gian ngắn ổn định, gần đây đã có dấu hiệu tăng trở lại.

Giá khí đốt ở Châu Âu hôm 15/6 đã tăng gần 25% sau khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga công bố kế hoạch cắt giảm thêm khối lượng cung cấp qua đường ống Nord Stream (Dòng chảy Phương Bắc).

Trong khi đó, việc EU quyết định dừng nhập khẩu than của Nga kể từ tháng 8 cũng khiến cho giá mặt hàng này tăng lên.

Giá năng lượng liên tục biến động dẫn đến chi phí sản xuất không thể kiểm soát. Qua đó làm tăng chi phí đầu vào cho các nhà sản xuất tại châu Âu và dẫn đến nguy cơ có thể tái diễn các đợt cắt giảm sản lượng một lần nữa.

Nguồn: Vietnam Biz

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *